Trong một bát phở bò tái chứa đựng cả trăm ngàn tinh túy văn hoá Việt, thìa nước dùng thanh tao trong vắt như tấm lòng người Việt sáng trong. Bánh phở trắng nõn mềm mướt tựa tính cách đôn hậu thật thà, miếng thịt bò mềm tan như sự ngọt ngào hiếu khách.
1. Điểm khác biệt của món phở bò tái
Cùng mang cái tên “phở”, song hương vị món phở tái lại sở hữu nét cuốn hút riêng. Không béo thơm như phở gầu gân, không thơm mùi chảo cháy như phở xào lăn, phở bò tái bung toả điểm đặc biệt với:
1.1 Thịt bò tái ngọt
Các thực khách ngày nay cũng không lạ gì phong cách ăn lẩu nhúng thịt, giữ cho miếng thịt vừa hồng hồng ăn vào giòn ngọt vô cùng – phở bò tái cũng vậy. Món ăn này sẽ sử dụng những phần thịt ngon nhất trên thân bò như: lõi bắp hoa bò, gầu bò, nạm bò hoặc thăn bò. Đặc tính của chúng là mềm mịn, có lẫn chút mỡ nên rất mọng nước dai mềm sần sật, khi chần sơ qua nước nóng là săn lại nhanh chóng. Thử tưởng tượng bát phở đậm đà nước dùng, có thêm dăm ba lát thịt tái tươi rói ăn cùng thì ngon kể sao xiết!
1.2 Nước phở chan nóng hổi
Vì sử dụng thịt được chần sơ, hoặc thậm chí là thịt sống trải lên nên tô phở cần được chan những muôi nước dùng nóng hổi, cốt yếu làm chín tái lát thịt. Phần nước dùng được đầu tư vô cùng công phu và tinh tế, gia vị được nêm nếm chắt lọc từ thiên nhiên, định lượng vừa vặn chứ không thiếu hoặc thừa một milligram nào, tỉ lệ xương hầm hoàn hảo tạo nên độ ngọt hậu sâu sắc. Ngoài ra, phở bò tái rất hạn chế sử dụng bột ngọt để gia tăng được tối đa chất thơm ngon thuần túy và chân thật từ xương ống.
1.3 Rau hành ăn kèm đa dạng
Bên cạnh những lát thịt ngọt mềm nóng hổi, thứ tôn vinh được hương vị ngon rất “Việt Nam” của phở bò tái phải kể đến phần rau hành ăn kèm quá đỗi phong phú. Có thể điểm qua một số như húng quế, ngò rí, ngò gai, hành lá, giá trụng… Mỗi nhóm rau hành lại có một chất đặc biệt khác nhau, song không làm át đi mùi thơm vốn có của nước dùng mà càng bổ trợ, tôn vinh chất tinh túy hiếm có này.
2. Cách nấu phở bò tái thơm ngon hấp dẫn y như ngoài quán
Đâu cần phải kỳ công như hàng quán, cũng không quá khó khăn để bạn có được một bữa phở no nê cùng gia đình. Thương hiệu Kanawa tiết lộ cho bạn kỹ thuật nấu phở tái ngon xuất sắc hệt như ngoài hàng ngay dưới đây!
2.1 Chuẩn bị nguyên liệu
- 500g thịt bắp bò: Bạn hãy chọn loại bắp có vân thịt rõ ràng nhưng lại nhuyễn mịn, sờ vào mướt chứ không sần sùi thô ráp, tỉ lệ mỡ trên miếng thịt vừa vặn, mỡ vàng tươi chứ không xỉn màu hoặc có mùi lạ là thịt ngon.
- 500g thăn bò: Với thăn bò, bạn chọn thịt còn màu đỏ hồng tươi tắn, độ đàn hồi ổn, miếng thịt căng mọng mịn mướt.
- 3kg xương ống: Màu sắc của thanh xương phải có màu trắng sáng, tủy còn đỏ au chứ không đỏ thẫm, xương có mùi gây đặc trưng của bò chứ không phải hôi tanh vì để lâu.
- 1.5kg bánh phở
- 6 củ hành tím
- 3 củ hành tây
- 3 củ gừng
- 2 củ tỏi
- 2 lít rượu Mai Quế Lộ
- 1 gói thảo mộc đinh hương, quế chi, hoa hồi…
- Hành lá, ngò, mùi
2.2 Các bước chế biến
Bước 1: Rửa và trần xương
Xương bò là nhân tố quyết định chiều sâu hương vị của nước dùng, thế nên bạn cần làm kỹ khâu sơ chế. Hãy rửa sơ 1-2 lần xương ống cùng nước lạnh, lấy 1 lít rượu Mai Quế Lộ, 1 củ gừng thái chỉ, 100g muối hoà tan. Sau đó, ngâm xương vào hỗn hợp trong 10 phút. Vớt ra, dùng chanh tươi và muối chà xát đều tay lên bề mặt khúc xương nhằm triệt tiêu toàn bộ mùi hôi tanh. Cuối cùng bạn rửa sạch xương và để ráo.
Bước 2: Sơ chế rau hành
Củ gừng, hành tây và hành tím mua về bạn bóc vỏ sạch sẽ. Đem hành tây và hành tím nướng sơ dưới bếp gas/than tầm 2” cho xém đều các mặt, bốc mùi thơm thì gắp ra. Riêng hành tím bạn băm hạt lựu và cho ra chén nhỏ. Với tỏi tươi, bạn đập giập và băm thật nhỏ để chuẩn bị ướp thịt, nêm nếm. Các loại hành lá, ngò, mùi bạn nhớ dùng nước vệ sinh, cắt thành miếng vừa ăn rồi bày riêng ra đĩa.
Bước 3: Sơ chế thịt
Thịt bắp bò và thịt thăn của bò vốn dĩ không có quá nhiều mùi song bạn vẫn nên làm tốt khâu triệt mùi này. Trước hết rửa sạch cùng nước lạnh, sau đó bạn dùng 1 lít rượu Mai Quế Lộ còn lại trộn cùng ½ củ gừng và muối, chà xát lên khắp bề mặt thịt. Ngâm thịt trong hỗn hợp này ít nhất 15” để thịt nhả hết mùi hôi,mềm và căng mướt hơn.
Bước 4: Ninh nước dùng
Bước đến khâu làm nước dùng, bạn bắt buộc phải nhớ đến phần xương ống đã sơ chế. Hãy bỏ chúng vào nồi có dung tích lớn, đổ vào nồi 4.5 – 5 lít nước rồi đun. Khi nước sôi, bạn hạ mức nhiệt về đun liu riu, thả hành tây/hành tím/gừng đã nướng thơm vào. Cho luôn gói gia vị túi lọc thảo mộc tạo mùi phở vào nồi. Đừng quên nêm thêm 2-3 thìa muối để nước ninh xương hài hoà hơn.
Sau 5-6 tiếng đun, khi xương mềm cũng là lúc bạn tiến hành lọc lại nước dùng để loại bỏ phần cặn. Cho thêm 1 lít nước vào nồi xương hầm để nấu nước phở. Ở giai đoạn này bạn chỉ cần đun sôi lại nồi, nêm nếm thêm các gia vị thiết yếu, ngoại trừ bột ngọt Nêm nếm vừa vặn thì bạn tắt bếp chuẩn bị qua khâu xử lý thịt bò.
Bước 5: Luộc thịt
Với thịt thăn bò, bạn tiến hành luộc thịt trong nồi nước sôi riêng, vì là phở bò tái nên chỉ luộc tầm 2-3 phút cho thịt săn nhẹ lại, chuyển sang hồng nhạt là vừa vặn. Khi luộc bạn nhớ cho thêm chút gừng và muối để nước thịt luộc được hài hòa, ngấm vào thịt sẽ ngon hơn.
Bước 6: Thái thịt nhúng tái
Thịt thăn luộc xong bạn thái lát mỏng, mỗi nhát thái đều tay giữ cho miếng thịt không nát, bản thịt to vừa đủ để cảm nhận được hương vị bò. Với thịt bắp bò, bạn thái lát theo dọc sớ thịt rồi trụng chúng nhanh qua nước sôi tầm 5 giây cho săn nhẹ lại, mỡ vừa rút lại óng ả thì vớt ra. Bày toàn bộ thịt trên đĩa chuẩn bị hoàn tất bát phở.
Bước 7: Hoàn thành món ăn
Đến bước này, bạn đun nồi nước sôi tầm 80 độ rồi chần bánh phở 30 giây trong nước. Xếp bánh phở ra bát rồi rải lên trên 4 lát thịt thăn, 4 lát thịt bắp, có thể xếp xen kẽ cho đẹp mắt. Rắc thêm rau mùi, hành lá rồi chan muôi nước dùng nóng hồi lên trên bề mặt thịt cho thịt săn lại dai giòn. Chan thêm 1 muôi nữa hoà cho tổng hoà món ăn được đẫm vị.
Bước 8: Thưởng thức
Khi thưởng thức món này, bạn có thể dùng bánh quẩy để chấm ăn cùng hoặc rau sống cho thêm vào để hương vị được thanh mát. Vắt 1 lát chanh chua chua hoặc 1 thìa giấm tỏi thơm nồng thì món ăn càng tuyệt hảo!